Nên kiêng gì khi bị bệnh vẩy nến phấn hồng để mau khỏi? Đây là một câu hỏi mà chúng tôi cho là rất xác đáng và cần phải làm rõ. Bởi vì bất kỳ bệnh nào cũng sẽ có quá trình điều trị thuận lợi hơn, nếu như bệnh nhân biết rõ mình không nên làm gì và ăn gì.
Vẩy nến phấn hồng (Pityriasis rosea) là một dạng rối loạn về tế bào da, được biểu hiện bằng những mảng màu hồng phấn có vẩy xuất hiện rải rác hoặc co cụm trên bề mặt da. Bệnh thường sẽ tự khỏi trong khoảng 6-8 tuần, không (hoặc ít) để lại sẹo. Một số bệnh khác có biểu hiện dễ bị nhầm lẫn với vẩy nến phấn hồng như hắc lào, vẩy phấn đỏ chân lông, phát ban, nấm da v.v…
Tuy không ảnh hưởng gì đến sức khỏe cũng như tính mạng người bệnh nhưng vẩy nến phấn hồng mang lại cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu. Bên cạnh đó là sự mất thẩm mỹ khá rõ rệt. Vì vậy, nếu không may mắc phải căn bệnh này chúng ta cần đến ngay bác sĩ, kết hợp với những lưu ý kiêng cử sau đây để mau “xóa sổ” chúng.
I. Bị bệnh vẩy nến phấn hồng nên kiêng làm những gì?
Trong sinh hoạt hằng ngày, bệnh sẽ không gây cản trở gì đáng kể. Tuy nhiên, nếu bạn muốn các nốt hồng ban và vẩy phấn xuất hiện thưa dần thì hãy chú ý không làm những việc như cậy gãi, tiếp xúc hóa chất, uống rượu bia v.v…
1. Tránh tiếp xúc với tia cực tím
Ánh sáng mặt trời tuy là một món quà quý giá của thiên nhiên nhưng những tia cực tím (tia UV) có trong đó lại gây hại cho da. Ngay cả làn da khỏe mạnh cũng sẽ phải chịu những tổn hại nếu phải tiếp xúc lâu dài với tia UV như da khô, lão hóa nhanh, nhăn nheo và thậm chí là ung thư da.
Vì vậy bệnh nhân bị vẩy nến phấn hồng nên có ý thức che chắn kỹ lưỡng trước khi ra đường hay dạo phố từ 10h sáng đến 3h chiều (thậm chí cả trời không có nắng). Bạn nên trang bị cho mình mũ nón, kính mát chống tia cực tím cũng như quần áo có chất liệu dày và dài tay chân.
2. Không để da bị côn trùng cắn hoặc bị vấy bẩn
Bụi bẩn và côn trùng có thể nói là khắc tinh của làn da đang bị bệnh vẩy nến phấn hồng. Bởi lẽ lúc này da đang bị tổn thương khá nhiều, mỏng hơn và có nhiều chỗ hở hơn làn da khỏe mạnh. Đó cũng chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn xâm nhập vào và tấn công làn da. Sẽ nguy hiểm hơn nếu xung quanh vùng da bệnh của bạn bị côn trùng cắn, vì nọc độc của chúng dù rất ít cũng sẽ gây ra những nhiễm trùng đáng kể.
3. Tránh để cơ thể không sạch sẽ
Một điều kiêng nữa mà bệnh nhân vẩy nến phấn hồng cần nhớ, đó là không được để cơ thể rơi vào trạng thái ướt át mồ hôi, lấm bẩn. Việc vệ sinh thân thể sạch sẽ hằng ngày sẽ có tác động vô cùng lớn đến quá trình điều trị bệnh.
Vẩy nến phấn hồng là một bệnh ngoài da, vì vậy bạn phải lưu ý giữ cho da luôn được sạch sẽ, thoáng mát. Hằng ngày bạn nên dùng nước ấm lau nhẹ nhàng trên da (có thể pha thêm một chút nước muối thật loãng). Tránh sử dụng các loại xà phòng có mùi hương mạnh vì có thể chứa chất gây kích ứng da. Trong khi tắm, kiêng sự chà xát lên da, việc làm này sẽ khiến da bị tổn thương nặng nề hơn.
4. Không nên căng thẳng, lo lắng
Tuy nguyên nhân gây ra bệnh vẩy nến phấn hồng vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng: stress, căng thẳng, mệt mỏi là điều kiện đủ để gây ra các bệnh lý về da. Stress không chỉ là nguyên nhân mà còn khiến cho bệnh khó điều trị hơn. Đối với một số người có công việc cần ngoại hình thì vẩy nến phấn hồng quả là có ảnh hưởng rất lớn. Song, bệnh nhân cần hiểu rằng bệnh sẽ tự khỏi, và tâm trạng càng thoải mái thì bệnh càng mau khỏi hơn.
5. Không tiếp xúc với hóa chất kích ứng da
Các bạn gái sẽ thường có thói quen sử dụng các loại sữa tắm, dầu gội, mỹ phẩm, kem trang điểm cùng linh tinh các thứ nữa cho công cuộc làm đẹp. Đó là chuyện khi da bạn khỏe mạnh. Nhưng lúc này, khi bệnh vẩy nến phấn hồng đã ghé thăm thì bạn phải thật cẩn trọng trong việc lựa chọn sản phẩm bôi lên da. Tránh sử dụng các hóa mỹ phẩm có chứa các chất có khả năng gây kích ứng da. Tốt nhất, để cho quá trình trị bệnh được nhanh chóng hơn, người bệnh nên ngưng trang điểm hoặc sử dụng các sản phẩm thiên nhiên.
II. Nên kiêng ăn gì khi bị bệnh vẩy nến phấn hồng?
Bệnh vẩy nến phấn hồng vốn là bệnh ngoài da lành tính, không lây từ người này sang người khác và có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều trị mà bệnh nhân ăn uống những thứ đáng lẽ phải kiêng cử thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng phục hồi. Các thực phẩm bệnh nhân vẩy nến phải kiêng bao gồm:
1. Không uống rượu bia và các chất kích thích
Rượu bia, thuốc lá, cà phê cùng một số loại nước ngọt có gas là những thức uống có chứa chất kích thích không tốt cho sức khỏe con người và đặc biệt đối với người bệnh vẩy nến phấn hồng thì càng không nên sử dụng. Nguyên nhân là do khi nạp các chất này vào cơ thể, một số phản ứng hóa học của bạch cầu cùng với tế bào Lympho T sẽ bị thay đổi. Điều đó đồng nghĩa với việc các tế bào da chết sẽ càng dày hơn, vẩy nến dày hơn. Hơn nữa, những chất này sẽ khó có thể bài tiết được, chúng sẽ ở lại một phần trong cơ thể chúng ta. Chúng tích tụ lại, làm độc và lâu ngày thì bùng phát qua da khiến cho các triệu chứng của các bệnh lý về da trở nên nặng hơn và khó điều trị dứt điểm hơn.
2. Không ăn các thức ăn gây dị ứng
Sẽ ra sao khi vẩy nến phấn hồng đã gây ngứa mà bạn còn bị dị ứng bởi thức ăn?. Bạn không được phép gãi đâu, vì gãi sẽ khiến da bị nhiễm trùng rất nguy hiểm. Cách tốt nhất để ngăn tình trạng khó chịu này, đó là chủ động kiêng ăn các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao. Chúng ta có thể kể ra một vài cái tên nổi bật như: hải sản, cá biển, thịt bò, trứng, đậu phộng, sữa v.v…Đặc biệt, đối với bệnh nhân có cơ địa vốn dị ứng với thực phẩm nào đó thì lúc này càng cần phải kiêng ăn chúng.
Thay vào đó, bệnh nhân vẩy nến phấn hồng có thể an tâm mà nạp vào cơ thể các loại trái cây, rau xanh, ngũ cốc…và uống nhiều nước để thanh lọc và giải độc cho cơ thể.
3. Kiêng ăn thức ăn cay nóng
Thức ăn cay nóng vẫn luôn nằm trong danh sách những thứ phải kiêng đối với bệnh nhân mắc bệnh về da. Các gia vị như tỏi, ớt, mù tạt, tiêu, cà-ri, sả v.v…sẽ góp phần kích thích các phản ứng không có lợi cho hệ miễn dịch, từ đó tăng cường các phản ứng trên da. Song song với quá trình đó, thức ăn cay nóng cũng sẽ khiến cho thân nhiệt cơ thể tăng lên, khiến chúng ta cảm thấy ngứa ngáy rõ rệt hơn. Khi ngứa nhiều, con người ta sẽ có phản xạ tự nhiên là gãi. Và thế là bệnh nghiêm trọng hơn, nhiễm trùng và tổn thương. Vì vậy, thức ăn cay nóng sẽ bị kiêng đối với người bệnh vẩy nến phấn hồng.
Như vậy, chúng ta đã có thể nắm rõ việc người bệnh vẩy nến phấn hồng nên kiêng làm gì và kiêng ăn gì trong quá trình điều trị bệnh. Áp dụng tốt tất cả những sự kiêng ở trên sẽ giúp bệnh sớm khỏi hơn. Và khi đã khỏi bệnh, bạn cũng có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp này (có thể giảm vài thứ) để tránh nguy cơ tái phát. Chúc cho người bệnh sẽ mau chóng “xóa sổ” vẩy nến và lấy lại được làn da khỏe mạnh.
Thu Hiền
Bạn nên tham khảo thêm về:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!