Vẩy nến phấn hồng là một bệnh về da khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi đối tượng cũng như bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Bệnh lành tính và sẽ tự khỏi, nhưng liệu vẩy nến phấn hồng có để lại sẹo hay không?
Thắc mắc của bạn đọc: “Cách đây vài tháng, da tôi tự dưng xuất hiện các đốm hơi tròn, nhỏ, màu hồng nhạt hơi ngả sang đỏ, bên trên có lớp da mỏng bong tróc. Tôi đi khám thì biết mình đã bị bệnh vẩy nến phấn hồng. Cái tên nghe có vẻ êm tai, nhưng nó cũng làm khổ tôi nhiều lắm, nó ngứa và làm da tôi trông xấu đi. Nhưng đó chưa phải là điều mà tôi lo lắng nhất.
Chuyện là công việc của tôi đòi hỏi vẻ ngoài rất nhiều. Tôi e sợ căn bệnh này sau khi chữa khỏi thì cũng sẽ để lại những vết sẹo trên da như các căn bệnh về da khác mà tôi từng được biết. Mong bác sĩ giải đáp giúp tôi thắc mắc này, cũng như hướng dẫn cho tôi cách chăm sóc da khi bị vẩy nến phấn hồng ạ. Cảm ơn bác sĩ.”
(Lê Thị Thu Hoài, 27 tuổi, quận Tân Phú, Tp.HCM).

I. Vẩy nến phấn hồng có để lại sẹo không?
Đây là một căn bệnh về da thuộc dạng lành tính, được biểu hiện bởi những đám da hình tròn màu hồng nhạt hoặc oval hơi lõm ở giữa. Bệnh vẩy nến phấn hồng (còn gọi với cái tên là Gibert) sẽ tự khỏi sau 6-8 tuần điều trị, thông thường sẽ không để lại sẹo trên da bệnh nhân.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp làn da hơi sậm màu, sau khi chỗ vẩy nến liền miệng thì sẽ để lại trên da những vết thâm hoặc các đốm sáng màu hơn da, sờ vào thấy hơi u lên như sẹo lồi. Đối với bệnh nhân có da thuộc tông sáng thì vết thâm sẽ sậm màu hơn, nhưng chúng cũng sẽ mau chóng biến mất nếu được chăm sóc tốt.
Thông thường thì các bác sĩ sẽ kê đơn đặc trị bệnh vẩy nến phấn hồng gồm các loại thuốc chống ngứa, chống sự xâm nhập của vi khuẩn, kháng viêm chứ không kèm theo thuốc ngăn ngừa và trị thâm sẹo.

II. Cách chăm sóc da bị vẩy nến phấn hồng không để lại sẹo
Thực tế thì có khá ít bệnh nhân mắc các vấn đề về sẹo sau khi bị vẩy nến phấn hồng, vì vậy mà bạn cũng không cần phải quá lo lắng. Việc người bệnh vẩy nến cần làm là cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể và chăm sóc thật tốt cho làn da. Bên cạnh liệu pháp điều trị của bác sĩ, bạn có thể áp dụng một số cách chăm sóc da đơn giản hằng ngày như sau:
- Da của người bị vẩy nến phấn hồng phải luôn được giữ ở mức sạch sẽ, đây là một điều vô cùng quan trọng. Tốt nhất mỗi ngày nên tắm từ 1-2 lần bằng các sản phẩm làm sạch có nguồn gốc từ thiên nhiên hoặc sữa tắm cho da nhạy cảm.
- Người bệnh lưu ý phải bảo vệ da mà đặc biệt là vùng da bị bệnh. Mỗi khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì da phải được che chắn bằng quần áo chống nắng và chống tia UV. Thoa kem chống nắng mỗi ngày để làn da luôn được bảo vệ tuyệt đối.
- Kem dưỡng ẩm cũng là một “vật bất li thân” đối với những ai có làn da bị vẩy nến phấn hồng. Bởi lẽ làn da của người bệnh lúc này sẽ rất dễ bị bong tróc. Làn da cần độ ẩm nhiều hơn mức bình thường để có thể duy trì khả năng bảo vệ.
- Một tâm trạng thoải mái, vui vẻ cũng sẽ là một biện pháp chăm sóc da cực kỳ hữu hiệu.
- Bệnh vẩy nến phấn hồng không phù hợp với các chất kiềm, người bệnh nên chủ động để da tránh tiếp xúc với những chất ấy.
- Để có một làn da khỏe mạnh, người bệnh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày của mình. Chú trọng ăn nhiều rau xanh cùng các loại trái cây sẽ là một lựa chọn khôn ngoan cho việc hồi phục những tổn thương trên da bị vẩy nến phấn hồng.

- Uống đủ nước. Đó là biện pháp cung cấp độ ẩm cho da từ bên trong mà bệnh nhân nào cũng phải ghi nhớ. Mỗi ngày bổ sung từ 2-2.5 lít nước sẽ giúp cho quá trình trao đổi chất, thải độc diễn ra thuận lợi hơn cho da.
- Tránh để da tiếp xúc với bụi bẩn hoặc bị côn trùng cắn, điều này rất nguy hiểm vì có thể khiến da bị nhiễm trùng.
- Phơi nắng (từ 6-8h sáng) sẽ có thể giúp da được khỏe hơn, mau khỏi bệnh.
- Tăng cường bổ sung các vitamin E, C, D để cung cấp dưỡng chất cho làn da vốn đã bị yếu hơn nhiều vì vẩy nến phấn hồng.
- Cuối cùng và cũng quan trọng không kém, đó là tuyệt đối không dùng móng tay hoặc bất cứ vật gì để gãi ngứa. Da người bệnh đã phải chịu tổn thương sẽ còn khó hồi phục hơn, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu ta gãi.
Tóm lại, bệnh vẩy phấn hồng không hoặc ít để lại sẹo do đó người bệnh cũng không cần quá lo lắng. Làn da sẽ hồi phục nhanh hơn và hoàn toàn không để lại sẹo nếu bệnh nhân biết áp dụng các biện pháp chăm sóc da ở trên song song với uống thuốc do bác sĩ chỉ định.
Nguyễn Thị An
Tham khảo thêm bài viết liên quan:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!