Việc điều trị bệnh vẩy nến hiện nay có khuynh hướng chuyển sang dinh dưỡng liệu pháp hay thực dưỡng nhằm vận dụng các hoạt chất dễ dung nạp trong thực phẩm để thay thế các chất có khả năng gây hại trong các thuốc điều trị vẩy nến. Dưới đây là các nhóm thực phẩm cho người bị vẩy nến mà bệnh nhân cần bổ sung trong thực đơn hàng ngày của mình.
Vẩy nến là căn bệnh viêm da mạn tính có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Mặc dù bệnh vẩy nến vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp, xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống và sinh hoạt điều độ… có thể giúp kiểm soát và ngăn ngừa vẩy nến tái phát, cũng như các biến chứng nguy hiểm của bệnh này.
Thực phẩm cho người bị vẩy nến
Hiện nay vẫn chưa có một chế độ ăn chuyên biệt cho bệnh nhân vẩy nến nhưng theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hào (Bệnh viện Da liễu TP.HCM), bổ sung các thực phẩm dưới đây sẽ cực kỳ có lợi cho người bị vẩy nến.
1/Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxi hóa là loại chất có khả năng ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình oxi hóa chất khác. Từ đó giảm thiểu sự hình thành các chất tự do sinh ra phản ứng dây chuyền phá hủy tế bào protein, axit nucleic, DNA,… và dẫn tới nhiều căn bệnh nguy hiểm. Đối với người bị vẩy nến, sử dụng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp loại bỏ được các độc tố trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các phản ứng viêm da.
Bắp cải đỏ, củ cải đỏ, cải Brussel, rau bina, rau diếp, cà rốt, dưa chuột, khoai tây, bưởi, lê, dứa, dưa hấu, nho, cam, mận, lựu, nam việt quất, quả anh đào, kiwi, táo đỏ, quả mâm xôi, quả óc chó, quả hồ đào… là các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa mà người bị vẩy nến nên sử dụng thường xuyên.
2/Thực phẩm giàu axit béo omega-3
Omega-3 là một nhóm các axit béo không no có nhiều nối đôi, và nối đôi cần nhất ở vị trí carbon thứ 3, mà cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được, phải bổ sung thông qua thực phẩm. Axit béo omega-3 có nhiều lợi ích đối với cơ thể, có tác dụng ngăn chặn các phản ứng viêm trong cơ thể, đặc biệt ức chế các chất gây viêm leucotriene 3 và 5 trong bệnh vẩy nến.
Axit béo omega-3 có nhiều trong các loại cá biển nước lạnh như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá mòi… Ngoài ra, axit béo omega-3 còn có mặt trong các loại hạt mè, hạt lanh, hạt hướng dương, quả óc chó,… Sử dụng axit béo omega-3 thường xuyên giúp bệnh nhân vẩy nến không cần dùng nhiều thuốc bôi steroid mà vẫn cải thiện bệnh hiệu quả.
3/Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm là một nguyên tố vi lượng tham gia vào sự phân chia tế bào, cân bằng hệ thần kinh, góp phần điều hòa các chức năng hệ nội tiết. Kẽm cũng phân bổ vào da, tóc, móng và giúp chúng phát triển, hạn chế khô xơ. Ngoài ra, kẽm còn tổng hợp phân tiết hormon tăng trưởng, insulin, thymulin… cùng với vitamin A, E, B6… làm tăng cường khả năng miễn dịch, chống các bệnh nhiễm khuẩn (trong đó có bệnh vẩy nến).
Các thực phẩm như các loại ngũ cốc thô và ngũ cốc qua sơ chế (yến mạch, gạo lức, hạt quinoa), các loại đậu, hải sản (nghêu, sò, ốc, hàu…), gan, thịt đỏ, trứng, sữa tươi, sữa chua, các loại rau, củ và trái cây (nấm, rau chân vịt, xúp lơ xanh, cải xoăn, tỏi,..)… rất giàu kẽm, là một nguồn dinh dưỡng tốt cho người bệnh vẩy nến.
4/Thực phẩm giàu folate (axit folic)
Folate hay axit folic- vitamin B9 là một dạng vitamin hỗn hợp nhóm B hòa tan trong nước. Folate tham gia vào quá trình tạo và duy trì sự tăng trưởng của tế bào, DNA và RNA; ngăn chặn những biến đổi bất thường ở DNA. Folate cũng giữ vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể, ngăn chặn sự hình thành leukotriene – nguyên nhân khiến bệnh vẩy nến trầm trọng hơn.
Folate có nhiều trong các loại thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, rau có màu xanh sậm (cải bó xôi, súp lơ, bông cải xanh, rau bồ ngót, rau muống, rau mồng tơi..), các loại đậu và ngũ cốc (đậu nành, đậu lăng, đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu đũa), mơ, nho khô, bưởi, mận…
5/Thực phẩm giàu Beta-carotene
Các bệnh nhân vẩy nến nên bổ sung thực phẩm giàu beta carotene như cà rốt, cà chua, bí đỏ, bơ, xoài, đu đủ, đào, dưa hấu, gấc, ớt vàng, ớt đỏ, cần tây, rau dền,… vào khẩu phần ăn hàng ngày để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.
Ngoài việc thường xuyên sử dụng các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, người bệnh vẩy nến cần kiêng ăn các thực phẩm nhiều tinh bột và đường, món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, các loại thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, các loại thức uống chứa chất kích thích (bia, rượu, cà phê) và kiêng hút thuốc lá.
Người bệnh vẩy nến cũng cần chú ýhạn chế tiếp xúc với hóa chất (xà phòng, dầu gội, sữa tắm, xăng dầu,…) và thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm. Mỗi buổi sáng sớm nên phơi nắng khoảng 15 phút để da hấp thu vitamin D. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên và đều đặn sẽ giúp giảm mức độ nặng của vẩy nến và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý có liên quan.
BẠN CÓ THỂ THAM KHẢO THÊM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!