Bệnh vẩy nến không ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con của phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ cần phải thay đổi kế hoạch điều trị bệnh vẩy nến khi mang thai hoặc cho con bú.
I. Ảnh hưởng của bệnh vẩy nến khi mang thai đến mẹ và bé
Bạn bị mắc bệnh vẩy nến khi mang thai? Và điều bạn đang lo lắng ngay lúc này là mang thai có làm trầm trọng hơn tình trạng vẩy nến và đứa con của bạn sẽ như thế nào? Đọc thêm những thông tin bên dưới để được làm rõ vấn đề này.
1/ Mang thai ảnh hưởng đến bệnh vẩy nến?
Trong khi bạn mang thai, bạn có 40 – 60% cơ hội cải thiện tình trạng bệnh vẩy nến của mình. Sự cải thiện tối đa sẽ được thể hiện rõ vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên và tam cá nguyệt thứ hai.
Tuy nhiên, trong 10 – 20% phụ nữ, thai kỳ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh vẩy nến. Nếu đó là trường hợp của bạn, bạn sẽ cần có một cuộc trò chuyện với bác sĩ để tìm ra cách tốt nhất và an toàn nhất để kiểm soát các triệu chứng của bệnh trong thời gian mang thai.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý rằng, ngay cả khi bệnh vẩy nến của bạn được cải thiện trong thời gian mang thai, nhưng bệnh cũng có thể bùng phát trở lại sau khi sinh.
2/ Bị vẩy nến khi mang thai có ảnh hưởng đến em bé?
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những phụ nữ bị bệnh vẩy nến nặng có nguy cơ sinh con nhẹ cân cao hơn những phụ nữ có bệnh vẩy nến nhẹ và những phụ nữ không có tình trạng da mãn tính. Các nghiên cứu khác cho thấy không có kết cục thai kỳ bất lợi ở những người phụ nữ mắc bệnh vẩy nến khi mang thai.
Mặc dù bệnh vẩy nến xảy ra thường xuyên hơn ở những người có tiền sử gia đình, tuy nhiên điều này không đảm bảo rằng em bé sinh ra bị mắc bệnh vẩy nến. Trên thực tế, các nhà khoa học tin rằng mặc dù ít nhất 10% người thường hưởng một hoặc nhiều gen có thể dẫn đến bệnh vẩy nến, nhưng chỉ có 2 – 3 % sẽ phát triển bệnh. Và thậm chí có thể những gen này chỉ được kích hoạt khi có yếu tố môi trường nguy cơ.
Nguy cơ lớn nhất của bệnh vẩy nến khi mang thai ảnh hưởng đến em bé là quá trình điều trị mà người mẹ thực hiện. Chính vì thế, đừng quá lo lắng rằng em bé của bạn sẽ phát triển bệnh vẩy nến nếu bạn bị mắc phải bệnh vẩy nến khi mang thai. Thay vào đó, bằng cách trao đổi với bác sĩ và thực hiện chăm sóc sức khỏe chu đáo theo kế hoạch, bạn có thể kiểm soát được bệnh vẩy nến và tránh được những điều không mong muốn xảy ra.
II. Cách điều trị bệnh vẩy nến khi mang thai hiệu quả và an toàn
Lựa chọn liệu pháp điều trị bệnh vẩy nến khi mang thai an toàn cho thai nhi là vấn đề chính trong việc quản lý thai kỳ của người phụ nữ.
Theo các chuyên gia y tế, một số cách chữa bệnh vẩy nến cho bà bầu dưới đây có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị bao gồm:
1/ Liệu pháp tại chỗ
Các phương pháp điều trị tại chỗ là lựa chọn đầu tiên cho vấn đề điều trị bệnh vẩy nến khi mang thai. Đặc biệt, các loại kem dưỡng ẩm và chất làm mềm, chúng có thể làm chậm hoặc bình thường hóa quá trình tái tạo tế bào quá mức, từ đó giúp làm thuyên giảm bệnh vẩy nến được các bác sĩ khuyến cáo sử dụng:
- Axit salicylic: Hấp thụ qua da (10 – 25%). Salycylat uống có liên quan đến chảy máu và gây hại cho em bé. Nhưng nguy cơ xảy ra với liệu pháp tại chỗ được coi là rất nhỏ. Không áp dụng trên các khu vực rộng lớn của cơ thể trong thời gian dài.
- Nhựa than: Có nguồn gốc từ than và gỗ (cây bách xù, cây thông). Nguy cơ hấp thụ và tổn thương cho em bé chưa được biết đến nhưng hắc ín than chứa các hydrocacbon thơm đa vòng có nguy hiểm tiềm ẩn. Các sản phẩm nhựa than được coi là an toàn nếu được sử dụng trong thời gian ngắn hoặc trên các khu vực như da đầu.
- Dithranol / anthralin: Nguy cơ cho phụ nữ mang thai là không rõ nhưng thuốc có thể không hấp thụ qua da.
Một số những sản phẩm không chứa axit salicylic hoặc nhựa than có thể mang lại lợi ích cho việc điều trị bệnh vẩy nến thai kỳ như các loại kem bôi có thành phần lô hội, kẽm pyrithione, capsaicin có tác dụng dưỡng ẩm, làm dịu, loại bỏ vẩy và giảm ngứa.
Nếu cần áp dụng steroid tại chỗ, số lượng nên được giới hạn. Và việc sử dụng bất kỳ loại thuốc steroid nào cho phụ nữ mang thai bị bệnh vẩy nến cần phải có sự giám sát của bác sĩ.
Liệu pháp tại chỗ có thể mang lại hiệu quả và sự an toàn trong điều trị bệnh vẩy nến khi mang thai. Tuy nhiên, nên tránh sử dụng một lượng lớn axit salicylic, calcipotriol, steroid tại chỗ và chất ức chế calcineurin trong thời gian dài.
2/ Sử dụng thuốc sinh học
Các nghiên cứu chưa có kết luận rõ ràng về tác dụng của các thuốc sinh học có thể có trên thai nhi đang phát triển. Một số cuộc thí nghiệm được tiến hành với Enbrel (entanercept), Humira (adalimumab) và Remicade (infliximab) cho thấy không có bằng chứng gây hại trên thai nhi.
Do thông tin hạn chế, nên điều trị bệnh vẩy nến bằng sinh học trị liệu chỉ được sử dụng khi có nhu cầu y tế rõ ràng. Phụ nữ bị bệnh vẩy nến khi mang thai nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để cân nhắc lợi ích và rủi ro của việc sử dụng các loại thuốc này.
Phụ nữ bị bệnh vẩy nến khi mang thai nên tránh dùng các loại thuốc sau:
- Methotrexate (Trexall): Có liên quan đến sảy thai, hở hàm ếch và các dị tật bẩm sinh khác. Bởi vì, loại thuốc này có thể gây ra các vấn đề nhiễm sắc thể.
- Retinoid đường uống: Có thể gây dị tật bẩm sinh, đặc biệt là khi dùng trong ba tháng đầu của thai kỳ. Chính vì vậy mà các bác sĩ không khuyên điều trị cho phụ nữ trong những năm tháng thai kỳ của họ.
3/ Liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng là phương pháp điều trị bậc hai đối với phụ nữ mắc bệnh vẩy nến khi mang thai. Phương pháp này bao gồm:
# PUVA
Cả hai thành phần trong điều trị PUVA (thuốc uống psoralen và ánh sáng UVA) nên được tránh dùng cho phụ nữ khi mang thai vì chúng có thể gây dị tật bẩm sinh. Những phụ nữ đang cho con bú cũng nên tránh PUVA, bởi vì psoralen trong sữa mẹ có thể gây nhạy cảm ánh sáng ở trẻ sơ sinh.
# Ánh sáng tia cực tím B (UVB)
Điều trị bằng UVB nói chung là an toàn trong thai kỳ, nhưng kem chống nắng nên được thoa lên mặt để ngăn ngừa nám (một tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai gây ra sự xuất hiện các đốm nâu).
Điều trị kết hợp UVB với nhựa than hoặc anthralin được coi là lựa chọn điều trị an toàn và hiệu quả cho phụ nữ có thai với bệnh vẩy nến lan rộng. Những phương pháp điều trị này đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ trước mà không có bất kỳ bằng chứng nào gây hại cho thai nhi.
4/ Chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống lành mạnh là một biện pháp cho tất cả mọi người để đối phó với bệnh vẩy nến, bao gồm cả phụ nữ có thai.
Bệnh vẩy nến là một tình trạng viêm. Nghiên cứu còn hạn chế, nhưng một số người bị bệnh vẩy nến nói rằng họ có thể kiểm soát bệnh tốt hơn nếu họ tăng cường ăn các thực phẩm chống viêm.
Một số nghiên cứu cho thấy, các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, beta carotene và selen có thể tạo nên sự khác biệt. Chúng có thể bao gồm:
- Trái cây và rau, đặc biệt là quả mọng, anh đào và rau xanh.
- Cá hồi, cá mòi và các loại cá giàu axit béo omega-3 khác.
- Các loại thảo mộc và gia vị giàu chất chống oxy hóa như thì là, gừng, cỏ xạ hương…
- Các nguồn chất béo có lợi cho hệ tim mạch như dầu ô liu, hạt và quả hạch.
Xem thêm thông tin chi tiết về: Thực phẩm cho người bệnh vẩy nến
Có một số loại thực phẩm khác có thể làm cho tình trạng bệnh vẩy nến khi mang thai trầm trọng hơn. Nên hạn chế ăn các thực phẩm này:
- Thực phẩm chế biến và đường tinh chế.
- Các loại thức ăn nhiều dầu mỡ và đồ ăn cay nóng.
- Thịt đỏ.
III. Làm dịu bệnh vẩy nến khi mang thai tại nhà
Bác sĩ sẽ là người đưa ra kế hoạch điều trị bệnh vẩy nến khi mang thai tốt nhất cho bạn. Ngoài ra, bạn có thể tự kiểm soát được tình trạng của mình bằng cách thực hiện một số điều sau đây:
1. Vệ sinh cơ thể
Luôn giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ để tránh viêm nhiễm xảy ra là rất quan trọng đối với những người mắc bệnh vẩy nến. Ngoài ra, hãy đặc biệt tránh sự tích tụ mồ hôi trên khu vực bị ảnh hưởng do bệnh vẩy nến vì nó có thể làm cho tình trạng tồi tệ hơn.
Khi nói đến tắm, bạn chắc chắn không nên sử dụng nước tắm quá nóng hoặc tắm quá nhiều lần vì điều này có thể khiến cho da tiếp tục khô. Bạn có thể ngâm mình trong bồn tắm với nước muối biển hoặc yến mạch trong khoảng 15 phút để làm dịu ngứa và loại bỏ da chết. Nên nhớ là áp dụng kem dưỡng ẩm cho làn da ngay sau khi tắm.
2. Giảm stress
Phụ nữ mang thai thường xuyên bị căng thẳng về mặt tâm lý. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn bất lợi khi họ mắc bệnh vẩy nến vì có thể làm cho vấn đề nặng nề hơn.
Do đó, bạn nên kiểm soát cảm xúc của mình bằng cách giải phóng những suy nghĩ tiêu cực, sự bực bội không đáng có. Các nghiên cứu cho thấy, thiền định là một phương pháp thiết thực có thể giúp giảm stress ở phụ nữ bị bệnh vẩy nến khi mang thai.
3. Tập thể dục và uống nhiều nước
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng tập thể dục và uống nhiều nước là hai thứ rất quan trọng và cần thiết để giúp chữa bệnh vẩy nến cho bà bầu.
Mặt khác, việc tập luyện thể dục nhẹ nhàng và uống nước nhiều cũng được các bác sĩ khuyến cáo trong thai kỳ vì mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển khỏe mạnh cho em bé.
4. Bổ sung chất dưỡng ẩm tự nhiên
Các biện pháp chữa bệnh vẩy nến tại nhà bằng các chất dưỡng ẩm từ thiên nhiên như dầu dừa, dầu ô liu, dầu cây trà có thể giúp làm giảm triệu chứng và đem lại hiệu quả chữa trị bệnh vẩy nến khi mang thai.
Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói với bạn là phải thật thận trọng và xem xét kỳ lưỡng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị bệnh vẩy nến khi mang thai. Như chúng tôi đã đề cập trước đó, ngoài yếu tố di truyền không can thiệp được thì nguy cơ em bé bị mắc bệnh vẩy nến có thể tùy thuộc vào quá trình điều trị của người mẹ mắc bệnh vẩy nến trong thai kỳ.
Chính vì thế, thường xuyên kiểm tra và theo dõi diễn biến của bệnh vẩy nến khi mang thai và sự phát triển của em bé để đảm bảo sự an toàn tốt nhất cho cả người mẹ và trẻ. Để làm được điều này, bạn cần thiết phải có sự giám sát chặt chẽ từ các bác sĩ và sự tuân thủ tốt kế hoạch điều trị mà họ đã đưa ra. Đồng thời, thay đổi lối sống là cách giúp rút ngắn thời gian điều trị và góp phần làm cho kết quả trở nên tốt đẹp hơn.
Chia sẻ bí quyết: Mẹo chữa bệnh vẩy nến tại nhà không cần dùng thuốc
ThS.BS: Nguyễn Thành Long
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!