Bệnh vẩy nến là một bệnh da mạn tính thường gặp, được đặc trưng bởi sự gia tăng và viêm tấy tế bào. Bệnh này gây ra những tổn thương vẩy, ban đỏ trên da. Phương pháp chữa bệnh vẩy nến bằng thuốc sinh học hiện nay đang được áp dụng, nhưng do đặc tính của các loại thuốc này nên cần cẩn trọng và lưu ý.
Chữa bệnh vẩy nến bằng thuốc sinh học cần lưu ý
Bệnh vẩy nến xảy ra do nhiều yếu tố tác động lên cơ chế bệnh sinh như yếu tố di truyền, các yếu tố kích hoạt khác bao gồm vi khuẩn, virut, môi trường sống, thời tiết, thuốc, stress… Hệ miễn dịch với vai trò là lympho T, các cytokine gây ra tình trạng rối loạn phát triển các tế bào sừng.

Mục đích sử dụng các chế phẩm sinh học để điều trị bệnh vẩy nến là nhằm ngăn chặn sự di chuyển của các tế bào diện kháng nguyên tới hạch bạch huyết. Hoặc ngăn quá trình hoạt hóa của lympho T, cản trở sự tương tác giữa tế bào lympho T và APC theo cơ chế miễn dịch.
Thuốc sinh học là các sản phẩm tạo ra từ cơ thể sống hoặc là các thành phần của cơ thể sống. Các loại thuốc sinh học được dùng trong điều trị bệnh vẩy nến hiện nay thường được sử dụng là: Efalizumab (Raptiva), Alefacept (Amevive), Etanercept (Enbrel), Infliximab (Remicade), Adalimumab (Humira)…
+ Efalizumab (Raptiva):
Là loại thuốc sinh học được dùng để điều trị bệnh vẩy nến thể mảng vừa và nặng, dai dẳng. Thuốc này không được chỉ định trong điều trị bệnh vẩy nến thử khớp vì ít có tác dụng.
Khi dùng loại thuốc này, người bệnh vẩy nến cần thận trọng bởi tác dụng phụ nghiêm trọng gây ra có thể làm giảm tiểu cầu. Do vậy, trước khi sử dụng thuốc nên xét nghiệm số lượng hồng cầu và thử lại trong các tháng tiếp theo trong 3 tháng đầu, sau đó cứ 3 tháng kiểm tra lại một lần. Ngoài ra, cần chụp X- quang, xét nghiệm HCG ở phụ nữ muốn có thai, công thức máu.

Tác dụng phụ sau khi sử dụng Efalizumab trên cơ thể bệnh nhân là đau đầu, mệt mỏi, lạnh run, sốt và nhiễm trùng. Cũng có thể gặp tình trạng bệnh vẩy nến bùng phát ở tuần điều trị thứ 6 – 12, hoặc tái phát khi ngưng sử dụng thuốc. Một số khác bị u ác tính, tăng sản bạch cầu và nhiễm trùng cơ hội được tìm thấy ở người bệnh vẩy nến dùng thuốc Efalizumab. Không sử dụng thuốc trong các trường hợp mẫn cảm với thành phần của thuốc, phụ nữ có thai, người già yếu hoặc người đang bị bệnh nhiễm trùng.
+ Alefacept (Amevive):
Là thuốc sinh học được dùng để chữa bệnh vẩy nến thể mảng vừa và nặng. Trước khi sử dụng thuốc này, người bệnh phải được kiểm tra CD4 (xét nghiệm kiểm tra mức độ tế bào CD4 trong tế bào máu) và lặp lại 2 tuần 1 lần.

Loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ là đau đầu, viêm mũi- họng, nhiễm trùng đường hô hấp trên. Một số tác dụng phụ nguy hiểm kể đến là giảm bạch cầu, suy chức năng gan, bệnh ác tính, nhiễm trùng nặng. Không sử dụng thuốc cho người bị nhiễm HIV, mẫn cảm với thuốc, người đang mắc bệnh nhiễm trùng, phụ nữ có thai, người có tiền sử bệnh ác tính.
+ Nhóm thuốc ức chế TNF:
Bao gồm các thuốc Etanercept (Enbrel), Infliximab (Remicade), Adalimumab (Humira) được dùng để điều trị bệnh vẩy nến thể mảng vừa và nặng. Các báo cáo về tác dụng phụ trên cơ thể bệnh nhân bị bệnh vẩy nến sau khi dùng các thuốc trên là giảm sức đề kháng của cơ thể trước các bệnh nhiễm trùng và khối u. Do đó, người bệnh phải thật sự cẩn trọng khi dùng thuốc.

Nên làm xét nghiệm công thức máu, máu lắng, ure, creatinin máu, xét nghiệm men gan, loại trừ các bệnh lao phổi, suy tim, virut viêm gan C và làm lại 3 tháng một lần trước khi sử dụng thuốc Etanercept.
Khi sử dụng thuốc Infliximab cần kiểm tra loại trừ các bệnh nhân bị lao, làm các xét nghiệm ure, creatinin máu, men gan, virut viêm gan B, xét nghiệm HCG và công thức máu, theo dõi 3 tháng một lần.
Adalimumab được sử dụng sau khi bệnh nhân được khuyến cáo thực hiện các xét nghiệm công thức máu, X- quang, chức năng gan, viêm gan B, xét nghiệm HCG. Cần thận trọng sử dụng loại thuốc này với người mắc bệnh tim mạch và phụ nữ mang thai.
♠ Tóm lại:
– Hầu hết các thuốc sinh học đều dùng để chữa bệnh vẩy nến ở thế vừa và nặng, kéo dài dai dẳng. Trước khi sử dụng các loại thuốc sinh học, khuyến cáo người bệnh nên thực hiện đầy đủ và đúng thời gian các cận lâm sàng có liên quan.
– Tác dụng phụ gây ra trong việc chữa bệnh vẩy nến bằng thuốc sinh học có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là ở người già và phụ nữ mang thai hoặc người mắc các bệnh lý nhiễm trùng, bệnh ác tính, tim mạch, lao phổi… Nên phải hết sức thận trọng.
– Chỉ nên chữa bệnh vẩy nến bằng thuốc sinh học khi có sự chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình điều trị cần tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn sử dụng thuốc và cần phải được sự theo dõi của bác sĩ điều trị.
Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu cho biết, phương pháp chữa bệnh vẩy nến bằng thuốc sinh học đang tiếp tục được nghiên cứu và phát triển. Nhằm giảm thiểu các tác dụng phụ và nâng cao hiệu quả chữa trị, mang lại sức khỏe an toàn cho người bệnh.
Chia sẻ những thông tin liên quan khác:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!