Bệnh vẩy nến có tên khoa học là psoriasis, là một bệnh da liễu mãn tính thường hay gặp. Theo kết quả thống kê cho thấy, ở các nước Âu – Mỹ tỉ lệ người dân mắc bệnh vẩy nến chiếm 1 – 2% dân số, ở Việt Nam chiếm 5 – 7%. Bệnh vẩy nến được chia thành các thể lâm sàng khác nhau như: bệnh vẩy nến thể chấm giọt, vẩy nến thể đồng tiền, vẩy nến thể mảng, vẩy nến đỏ da toàn thân, vẩy nến thể khớp, vẩy nến thể đảo ngược, vẩy nến mụn mủ… Bài viết hôm nay xin đề cập đến bệnh vẩy nến thể đảo ngược nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về thể bệnh vẩy nến này.
Nhận dạng bệnh vẩy nến thể đảo ngược
Theo Th.S Đào Thị Tuyết Nhung ( Hiệp hội Da liễu Việt Nam ), bệnh vẩy nến thể đảo ngược hay còn được gọi là vẩy nến Intertriginous, là vẩy nến xuất hiện ở vùng nếp kẽ của cơ thể như nếp dưới vú, nếp kẽ mông, bẹn, nách. Cũng chính vì đặc điểm này mà đối tượng có nguy cơ mắc bệnh vẩy nến thể đảo ngược thường là phụ nữ và những người béo phì. Tổn thương gặp phải ở bệnh vẩy nến thể đảo ngược được nhận biết bằng các mảng đỏ giới hạn lan rộng ra ngoài vị trí kẽ. Vùng da bị bệnh vẩy nến thể đảo ngược có thể bị trợt ra, xuất hiện vết nứt, lở loét… Đặc biệt, các vẩy ẩm tích tụ lại khiến cho người bệnh rất dễ nhầm lẫn với bệnh do candida hoặc hăm kẽ do liên cầu.
Bệnh vẩy nến thể đảo ngược xuất hiện ở nếp dưới vú
Đối với những dạng vẩy nến thông thường khác, tại vùng da bị tổn thương sẽ khô, da dày lên, có mủ và bong tróc nhiều. Còn với bệnh vẩy nến thể đảo ngược, vùng da bị tổn thương chỉ nổi mẩn đỏ, da sáng bóng, không bị khô và dày lên. Một điều nữa bác sĩ cũng cho biết thêm là theo kết quả khảo sát từ các ca mắc bệnh vẩy nến thể đảo ngược thì có thể sẽ bị kèm theo các dạng vẩy nến khác như vẩy nến thể mảng, vẩy nến thể khớp.
Truy tìm hung thủ gây bệnh vẩy nến thể đảo ngược
Về căn nguyên bệnh sinh của bệnh vẩy nến theo khoa học là còn nhiều điểm chưa sáng tỏ, tuy nhiên cũng giống như các thể bệnh vẩy nến khác, bệnh vẩy nến thể đảo ngược được hình thành do các nguyên nhân sau:
- Yếu tố di truyền: Theo nghiên cứu, bệnh vẩy nến do di truyền chiếm tới 12,7% (theo Huriez), 29,8% (theo Bolgert). Trường hợp cả cha và mẹ đều mắc bệnh vẩy nến thì khả năng con bị mắc bệnh vẩy nến là 40%.
- Chấn thương cơ học: Điều này xảy ra với vùng da bị vẩy nến từng bị chấn thương trước đó. Yếu tố chấn thương cơ học chiếm 14% khả năng xuất hiện bệnh vẩy nến.
- Môi trường sống: Sự ảnh hưởng của môi trường sống xung quanh cũng chứa đựng các nguy cơ gây nên bệnh vẩy nến. Các tác nhân như hóa chất độc hại, môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước không hợp vệ sinh sẽ khiến cho da rất dễ bị di ứng khi tiếp xúc phải.
- Nhiễm khuẩn: Các ổ vi khuẩn khu trú do bệnh lý (viêm mũi họng, viêm amidan,…) hoặc do các nguyên nhân khác có ảnh hưởng tới sự phát sinh bệnh vẩy nến, trong đó có bệnh vẩy nến thể đảo ngược.
Cẳng thẳng quá mức có thể là nguyên nhân của bệnh vẩy nến thể đảo ngược
- Yếu tố tâm lý: Căng thẳng, mệt mỏi hay stress là nguyên nhân khiến cho bệnh vẩy nến phát sinh phát triển. Bệnh nhân bị bệnh vẩy nến do yếu tố thần kinh thường dễ bị kích thích, tâm trạng bất ổn định, hay lo lắng, cáu gắt, bực bội.
- Rối loạn chuyển hóa: Sự rối loạn trong quá trinh chuyển hóa trong cơ thể, nhất là chuyển hóa đường, đạm có liên quan đến việc hình thành nên bệnh vẩy nến.
- Rối loạn nội tiết: Bệnh nhân bị bệnh vẩy nến do rối loạn nội tiết thường nhẹ hơn trong thời kỳ mang thai nhưng sau khi sinh thường sẽ bị tái phát hoặc nặng hơn.
- Do dùng thuốc: Các thuốc kháng sinh, thuốc tiểu đường nếu sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng thuốc sẽ có nguy cơ gây nên bệnh vẩy nến.
Phương pháp điều trị bệnh vẩy nến thể đảo ngược
Bệnh vẩy nến thể đảo ngược được đánh giá là có mức độ nghiêm trọng khá cao. Nếu được phát hiện ở dạng khởi phát, thể bệnh sẽ có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, trường hợp bệnh kéo dài và tình trạng diễn tiến nặng nề do sự bùng phát mạnh mẽ và lan rộng ra toàn thân sẽ gây phức tạp hơn trong vấn đề điều trị bệnh. Hiện nay, thuốc điều trị bệnh vẩy nến thể đảo ngược thường được các bác sĩ chỉ định là:
1. Các loại thuốc bôi ngoài da
- Thuốc bạt sừng bong vẩy: Mỡ salicylic 2 -10% có tác dụng giảm bớt hiện tượng bong tróc vẩy.
- Guodron: Là loại thuốc khử oxy giúp làm vùng da bị tổn thương do bệnh vẩy nến sẽ hết vẩy, tan nhiễm cộm, cải thiện và phục hồi tổn thương sau đợt điều trị.
- Mỡ corticoid: Các tổn thương bệnh vẩy nến thể đảo ngược sẽ nhanh chóng được cải thiện, người bệnh đỡ nhanh, tương đối sạch. Tuy nhiên loại thuốc này cũng chứa nhiều tác dụng phụ như nổi trứng cá, giãn mạch, teo da…
- Mỡ Daivonex (calcipotrol): Có tác dụng ức chế tăng sinh tế bào sừng và kích thích quá trình biệt hóa tế bào sừng, dùng cho các ca bị vẩy nến khu trú như bệnh vẩy nến thể đảo ngược.
Thuốc điều trị bệnh vẩy nến thể đảo ngược
2. Thuốc dùng đường toàn thân
- Thuốc kháng histamin chống ngứa, kích ứng da cho người bệnh bị vẩy nến.
- Thuốc kháng sinh được chỉ định trong trường hợp người bệnh vẩy nến thể đảo ngược bị viêm nhiễm, nhiễm khuẩn.
- Ánh sáng trị liệu (photo therary): Là phương pháp sử dụng tia UVB có tác dụng ức chế tăng sinh tế bào biểu bì, thuyên giảm các triệu chứng bệnh vẩy nến thể đảo ngược gây nên.
- Quang hóa trị liệu (photo chemotherapy): Là phương pháp trị bệnh vẩy nến nổi tiếng trên thế giới, phương pháp này được tiến hành như sau: Đầu tiên, cho bệnh nhân uống thuốc cảm ứng ánh sáng Psoralen, 2 giờ sau chiếu tia cực tím sóng A (UVA) có bước sóng 320-400 nm. Tác dụng của phương pháp này là mang lại hiệu quả chống phân bào, làm sạch tổn thương nhanh chóng, tác động sâu vào căn nguyên gây bệnh.
Dùng thuốc điều trị bệnh vẩy nến thể đảo ngược phải tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ. Tránh việc bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc sẽ rất nguy hiểm vì dễ gây nên các tác dụng phụ, khiến cho tình trạng bệnh diễn tiến nặng nề hơn và gây khó khăn cho quá trình chữa trị.
Lời khuyên của thầy thuốc
Bệnh vẩy nến thể đảo ngược là một bệnh lý mạn tính, khó chữa trị và gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như tinh thần của người bệnh. Vậy nên, người bệnh nên chủ động đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi trong suốt tiến trình điều trị, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng hoặc tái phát lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, người bệnh nên thay đổi chế độ sống của mình một cách khoa học hơn, từ vấn đề ăn uống, giờ giấc sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh đến yếu tố tâm lý. Các bác sĩ nhấn mạnh rằng, tâm lý người bệnh có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị bệnh vẩy nến thể đảo ngược, bởi những căng thẳng, mệt mỏi, thái độ bi quan sẽ là yếu tố bất lợi khiến cho bệnh dễ tái phát và kéo dài hơn.
⇒ Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!