Theo nghiên cứu tại Bệnh viện Da liễu TP. HCM, có đến 57,8% những đợt bộc phát vẩy nến liên quan đến yếu tố tâm lý, cụ thể là căng thẳng, stress vì học hành căng thẳng, bị lừa gạt, thất nghiệp, kinh tế thất bát, trục trặc chuyện tình cảm..
Tâm trạng căng thẳng làm bộc phát bệnh vẩy nến
Vẩy nến là một bệnh lý viêm da mạn tính, có liên quan đến rối loạn miễn dịch. Tổn thương viêm ở bệnh vẩy nến điển hình là các sẩn da đỏ, đóng vẩy khô và dày với màu trắng đục, bong tróc nhiều lớp như sáp nến ở vùng da đầu, rìa chân tóc, khuỷu tay, đầu gối, hông, lưng, kể cả vùng nếp gấp sinh dục.
Kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Da liễu TP. HCM cho thấy, vẩy nến xuất hiện nhiều ở những người từ 30-39 tuổi (chiếm 31,6%); trong đó, nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới đến 76,4% và 83% bệnh nhân vẩy nến có thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá. Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến vẫn đang được y học tích cực làm rõ. Mặc dù vẫn chưa đưa ra được kết luận chính xác nhưng các chuyên gia cho rằng yếu tố di truyền, môi trường sống, thói quen sinh hoạt… có khả năng thúc đẩy sự hình thành và phát triển của bệnh vẩy nến.
Đáng nói nhất, trong nghiên cứu này, có đến 57,8% những đợt bộc phát vẩy nến liên quan đến yếu tố tâm lý, cụ thể là căng thẳng, stress vì học hành căng thẳng, bị lừa gạt, thất nghiệp, kinh tế thất bát, trục trặc chuyện tình cảm… Theo bác sĩ Lý Hữu Đức (Bệnh viện Da liễu TP HCM), trường hợp của chị H. (40 tuổi, quận 5, TP.HCM) là điển hình của bệnh vẩy nến có liên quan đến yếu tố tâm lý gia đình – xã hội. Chị H. đã rất nhiều lần đến các cơ sở da liễu để điều trị vẩy nến. Mặc dù bệnh khỏi sau mỗi lần chữa nhưng lại rất nhanh tái phát. Các đợt tái phát này luôn xảy ra sau những biến cố quan trọng trong cuộc sống của chị như nhà cửa bị cầm cố vì làm ăn thua lỗ, con cái đứa bị đuổi học, đứa qua đời vì tai nạn giao thông.
Không chỉ ở Việt Nam, phát hiện của bác sĩ Donal G. Fortune (Đại học Manchester – Anh) công bố trên tạp chí Archives of Dermatology số tháng 7-2003 càng cho thấy mối liên hệ giữa bệnh vẩy nến và yếu tố tâm lý. Nghiên cứu trên 112 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc nhạy cảm ánh sáng psoralen và tiếp xúc với tia cực tím, bác sĩ Donal nhận thấy những người bệnh vẩy nến thường hay lo lắng, căng thẳng có thời gian điều trị dài gấp đôi so với những bệnh nhân vô lo hoặc ít lo âu.
Bác sĩ Đức cũng cho biết, bệnh vẩy nến không quá nguy hiểm, nhưng gây khó chịu cho bệnh nhân vì tái phát nhiều lần. Bản thân bệnh vẩy nến và những khó chịu do nó gây ra cũng là một trong những nguyên nhân gây stress cho người bệnh; và ngược lại, càng stress thì bệnh càng nặng thêm và khiến bệnh nhân càng lo âu nhiều hơn. Để thoát khỏi vòng lẩn quẩn giữa vẩy nến và stress, người bệnh cần tuân thủ tốt các chỉ định điều trị của bác sĩ, hợp tác tốt trong liệu pháp tâm lý và luôn chuẩn bị tinh thần sống chung với bệnh.
Giải tỏa căng thẳng, stress để cải thiện bệnh vẩy nến
Để giải tỏa căng thẳng stress, giúp thư giãn tinh thần hỗ trợ điều trị vẩy nến, bạn có thể áp dụng một số liệu pháp dưới đây:
1 – Tập yoga
Yoga là một liệu pháp cổ xưa mang đến nhiều lợi ích trong việc thư giãn tinh thần và thể chất. Nó không chỉ giúp cơ thể bạn trở nên thon gọn mà còn giúp bạn đối phó với sự căng thẳng, trầm cảm và các chứng viêm mạn tính. Nghiên cứu của Đại học bang Ohio, Mỹ cho thấy, những người tập yoga thường xuyên sẽ có ít có nguy cơ viêm nhiễm và kiểm soát được các yếu tố gây stress cao hơn.
2 – Tập thiền
Một nghiên cứu tại Đại học Emory ở Atlanta cho thấy, tập thiền giúp nâng cao những nhận thức về tinh thần và kiểm soát suy nghĩ của bản thân trong khi tập trung vào hơi thở, giúp giảm căng thẳng, giảm bớt cảm giác đau đớn… Có nhiều phương pháp thiền khác nhau, bạn không nhất thiết phải ngồi bắt chéo chân và đọc thần chú để xả stress mà có thể tập trung vào việc làm thanh lọc tâm hồn, khuyến khích việc tăng cường những hình ảnh và suy nghĩ tích cực, đối xử tốt với bản thân và mọi người xung quanh.
3 – Ngủ đủ giấc
Ngủ không đủ giấc có thể khiến bạn bị căng thẳng, mệt mỏi suốt cả ngày và ngược lại căng thẳng, stress lại dễ khiến bạn mất ngủ. Ngủ đủ giấc và ngủ sâu sẽ giúp bạn giúp cải thiện sức khỏe và giúp bạn ít căng thẳng hơn.
4 – Tăng cường vận động
Vận động là cách giúp cơ thể nhanh chóng xua tan mệt mỏi và căng thẳng, lấy lại trạng thái thoải mái, dễ chịu. Bạn có thể vận động đơn giản bằng cách vươn vai, hít thở hoặc tập thể dục thường xuyên để xả stress, tăng cường sức khỏe và giải tỏa tâm trạng.
5 – Trò chuyện, cười đùa
Trò chuyện được xem là một liệu pháp hữu ích trong việc giảm bớt các triệu chứng căng thẳng và lo âu. Bạn có thể nói chuyện phiếm hoặc đùa nghịch với bạn bè để làm giảm lượng cortisol, giảm mức độ cholesterol trong cơ thể, tăng cường hormone dopamine, mang lại sự vui vẻ.
6 – Làm điều mình yêu thích
Nghe nhạc, xem phim, đọc sách hay ăn món ăn mình yêu thích là những hoạt động tích cực có thể giúp bạn giải tỏa mọi căng thẳng trong cuộc sống. Theo các nhà khoa học, làm điều mình thích sẽ giúp bạn thỏa mãn sở thích, tạm quên đi những nguyên nhân khiến chúng ta bực bội, căng thẳng, stress; làm dịu các dây thần kinh và cơ bắp, hạ thấp nồng độ cortisol (hormone gây stress) trong cơ thể và tạo cảm xúc tích cực.
Bị vẩy nến không nên bỏ qua những bài viết này:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!