Phụ nữ bị cao huyết áp có nguy cơ mắc bệnh vẩy nến. Đây là kết quả nghiên cứu được đăng trực tuyến trên tạp chí JAMA Dermatology ngày 2/7/2014, thực hiện bởi một nhóm nhà khoa học trường Y Warren Alpert, Providence, Mỹ trong hơn một thập kỷ qua.
Nguy cơ bệnh vẩy nến ở phụ nữ cao huyết áp
Một nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sĩ Abrar Qureshi (trường Y Warren Alpert, Providence, Mỹ) và những cộng sự của mình cho thấy, những phụ nữ bị bệnh cao huyết áp có nguy cơ mắc bệnh vẩy nến cao hơn 27% so với những người có huyết áp bình thường. Kết quả nghiên cứu này đã được đăng trực tuyến trên tạp chí JAMA Dermatology ngày 2/7/2014 như một hồi chuông cảnh báo dành các bệnh nhân mắc chứng huyết áp cao.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học trên đã phân tích dữ liệu sức khỏe của gần 78.000 phụ nữ trong hơn một thập kỷ (từ năm 1996 đến 2008). Trong suốt thời gian theo dõi các bệnh nhân, họ nhận thấy có 843 trường hợp mắc bệnh vẩy nến. Đặc biệt, những người phụ nữ bị cao huyết áp trên 6 năm có tỉ lệ mắc bệnh vẩy nến cao hơn những người có huyết áp ở mức bình thường đến 27%. Trong nhóm này, những phụ nữ có sử dụng thuốc beta-blockers (một loại thuốc giúp hạ huyết áp bằng cách ngăn chặn các thụ thể nhất định) thì nguy cơ mắc bệnh tăng lên 40% so với người không sử dụng thuốc này.
Các nhà khoa học cũng nghiên cứu kỹ hơn về mối tương quan giữa việc sử dụng thuốc beta-blockers trong điều trị tăng huyết áp với nguy cơ mắc vẩy nến và nhận thấy, loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ đối với hệ miễn dịch và tạo điều kiện khởi phát bệnh vẩy nến. Nếu người bệnh đang điều trị tăng huyết áp bằng thuốc beta-blockers mà chuyển sang điều trị bằng các thuốc khác thì các triệu chứng của bệnh vẩy nến lại được cải thiện một cách đáng kể. Ngoài nghiên cứu của tiến sĩ Abrar Qureshi, một nghiên cứu của tiến sĩ April Armstrong (Đại học Colorado) cho biết, ngoài thuốc beta-blockers thì một số loại thuốc khác như thuốc chống sốt rét, lithium, interferon… cũng khiến bệnh vẩy nến trở nên nghiêm trọng hơn.
Qua những kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã đưa ra lời khuyên, những người mắc bệnh nên kiểm tra và khám sàng lọc để phát hiện sớm tăng huyết áp. Với những trường hợp mắc cả 2 bệnh (cao huyết áp và vẩy nến) cùng một lúc thì nên tuân thủ chặt chẽ những chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh tốt hơn, tránh những rủi ro và nguy hiểm có thể xảy ra.
Cách phòng ngừa tăng huyết áp
Để giảm nguy cơ tăng huyết áp, phòng ngừa bệnh tật nói chung và bệnh vẩy nến nói riêng, bạn cần thực hiện theo các lời khuyên sau đây:
1 – Duy trì cân nặng phù hợp
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố thúc đẩy chứng huyết áp cao và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Đặc biệt, ở phụ nữ tuổi trung niên và sau mãn kinh bị béo phì thì càng dễ bị cao huyết áp và có khả năng bị vẩy nến. Do đó, mọi người cần duy trì cân nặng hợp lý để phòng bệnh tốt nhất.
2 – Ăn uống hợp lý
Thói quen ăn uống có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mỗi người. Để ngăn ngừa nguy cơ bị cao huyết áp, bạn không nên ăn nhiều thịt đỏ, sữa có hàm lượng chất béo cao, trứng, nội tạng động vật, các loại thức ăn nhanh và chứa chất bảo quản (đồ hộp, mì gói, xúc xích…); hạn chế sử dụng các thức uống có ga, chất kích thích… Thay vào đó nên ăn nhiều cá biển nước lạnh (cá hồi, cá thu…), các loại hạt và ngũ cốc, rau xanh và trái cây tươi để chuyển hóa chất béo, giảm cholesterol, giảm nguy cơ tăng huyết áp. Ngoài ra, mọi người cũng lưu ý không nên ăn quá mặn vì dễ làm tăng huyết áp.
3 – Vận động và luyện tập
Vận động và luyện tập đều đặn ở mức vừa phải vừa giúp nâng cao thể chất, tăng cường sức khỏe và giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ tăng huyết áp. Theo các chuyên gia, tập thể dục giúp oxy đến tim hiệu quả hơn, từ đó giúp việc bơm máu diễn ra thuận lợi hơn. Đi bộ, tập khí công, yoga, thiền định hay bơi lội 30 phút mỗi ngày có tác dụng làm giảm các hormone gây stress – tác nhân làm tăng renin, một loại enzyme thận làm tăng huyết áp.
4 – Từ bỏ các thói quen xấu
– Một số thói quen xấu mà bạn cần loại bỏ khỏi cuộc sống của mình nếu không muốn bệnh tăng huyết áp và vẩy nến ghé thăm bao gồm:
– Kiêng hút thuốc lá và bia, rượu để phòng bệnh tăng huyết áp, các bệnh tim mạch và các chứng viêm mạn tính (vẩy nến).
– Không thức khuya hay làm việc quá căng thẳng, nên ngủ ít nhất 7 giờ/ngày và ngủ đúng giờ để giúp cơ thể luôn tràn đầy sức sống, thoải mái, nhẹ nhàng, vui vẻ, giảm nguy cơ cao huyết áp và bệnh vẩy nến.
BẠN CÓ THỂ THAM KHẢO THÊM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!