Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến chưa được làm rõ nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền. Vậy, bệnh vẩy nến do di truyền có chữa khỏi được không? Chữa vẩy nến do truyền bằng cách nào? Bacsivaynen.com sẽ giải đáp cho bạn qua những thông tin sau đây.
Bệnh vẩy nến liên quan đến di truyền
Vẩy nến là một căn bệnh tự miễn, đặc trưng bởi tình trạng viêm da mạn tính. Tổn thương vẩy nến là các mảng da đỏ, có vẩy màu trắng bạc nhiều tầng dễ bong tróc và cực kỳ ngứa. Các tổn thương này có thể khu trú ở một số vị trí tì đè như khuỷu tay, đầu gối, chân hoặc lan rộng toàn thân và kèm theo tổn thương ở móng, khớp…
Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến chưa được làm rõ nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh có liên quan đến chấn thương và nhiễm khuẩn da, môi trường sống ô nhiễm, tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại, căng thẳng thần kinh, tác dụng phụ của một số loại thuốc (thuốc kháng sốt rét tổng hợp, lithium, corticoid…) và liên quan đến yếu tố di truyền.
Tính di truyền của bệnh vẩy nến thể hiện ở việc nếu cha hoặc mẹ bị vẩy nến thì tỉ lệ mắc bệnh ở con là 16 % trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kích hoạt bệnh vẩy nến. Nếu cả cha và mẹ cùng mắc bệnh này thì tỉ lệ con mắc bệnh tăng đến 41%. Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận bệnh vẩy nến xảy ra ở 10,6% anh chị em ruột, 4,2% ở cô, dì, chú, cậu, ông, bà và 1,4% ở anh, chị, em họ của người bệnh vẩy nến.
Chữa vẩy nến do di truyền tận gốc được không?
Hiện nay, y học vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh vẩy nến. Các phương pháp điều trị bệnh vẩy nến hiện nay chủ yếu là kiểm soát sự tiến triển của bệnh vẩy nến, khống chế sự lây lan của bệnh, cải thiện các triệu chứng vẩy nến và phục hồi vùng da bị tổn thương do vẩy nến gây ra. Đồng thời kéo dài thời gian ổn định của da, hạn chế các đợt vẩy nến tái phát.
Đối với vẩy nến do di truyền, y học vẫn chưa có phương pháp điều trị tận gốc. Việc điều trị bệnh bao gồm các phương pháp phổ biến sau đây:
1 – Điều trị bằng thuốc
- Thuốc bôi ngoài da:
Các thuốc thường được sử dụng là những thuốc có chứa Acid salicylic, viatamin A, Vitamin D3 có tác dụng chống viêm, chống ngứa, ức chế tăng sinh tế bào sừng.
Các thuốc steroid cũng được sử dụng để chống viêm nhưng chỉ dùng liều thấp, có thể dùng kết hợp với hắc ín. Việc sử dụng thuốc bôi corticosteroid phải theo sự chỉ định của bác sĩ da liễu.
- Thuốc điều trị toàn thân:
Các thuốc điều trị toàn thân bao gồm thuốc điều trị miễn dịch và ức chế miễn dịch (methotrexat, cyclosporin,…). Các thuốc này cũng phải được bác sĩ kê đơn và theo dõi vì chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ trên da.
2 – Quang hóa trị liệu
Điều trị bằng quang trị liệu hay PUVA là phương pháp sử dụng là tia cực tím (UVA và UVB) có bước sóng dài 320 – 400 nm, giống như ánh sáng đèn để chiếu lên các vùng da bệnh có diện tích rộng. Phương pháp này có xu hướng điều trị lâu dài và duy trì, cho hiệu quả cao với vẩy nến lan rộng toàn thân. Tỉ lệ tái phát là khoảng 63% trong vòng 1- 6 tháng. Tuy nhiên, điều trị vẩy nến bằng quang trị liệu kéo dài phải được theo dõi và kiểm soát tốt để tránh tia cực tím bị tích lũy có thể gây đồi mồi, lão hóa da và ung thư da. Thông thường, bác sĩ sẽ kết hợp quang trị liệu với các thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của thương tổn, dạng thương tổn và thể bệnh vẩy nến mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Trong quá trình điều trị vẩy nến, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, người bị vẩy nến phải được điều trị và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Song song với việc sử dụng thuốc và các liệu pháp điều trị vẩy nến, bệnh nhân cần thay đổi phong cách sống cho phù hợp và khoa học; giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ, lạc quan, tránh căng thẳng thần kinh để hỗ trợ quá trình điều trị, đẩy lùi vẩy nến và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Ngoài 2 phương pháp phổ biến trên đây, liệu pháp ARN hiện đang được các nhà khoa học nghiên cứu đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong cuộc thử nghiệm lần đầu tiên trên người, mở ra hướng trị liệu cho bệnh vẩy nến do di truyền. Trong nhiều thập niên qua, các liệu pháp ARN (a xít ribonucleic) được giới y học kỳ vọng có thể điều trị các căn bệnh liên quan đến gien di truyền nhưng vẫn chưa thành công. Giờ đây, một phiên bản mới, gọi là a xít nucleic hình cầu (SNA), lần đầu tiên được thử nghiệm trên người đã cho kết quả thành công.
Cách tiếp cận tổng quát đối với liệu pháp ARN, gọi là ARN ngược hướng (asARN), nhằm ngăn chặn quá trình sản xuất các protein có liên quan đến bệnh tật như ung thư và HIV. Qua kết quả nghiên cứu, các nhà nghiên cứu khẳng định các SNA ngược hướng an toàn để sử dụng và có thể hữu dụng trong việc đối phó bệnh vẩy nến. Mặc dù, liệu pháp này vẫn đang được nghiên cứu và vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận rằng SNA thực sự có khả năng chữa được bệnh vẩy nến nhưng nghiên cứu này cũng mở ra hy vọng mới cho những người mắc bệnh này.
BẠN CÓ THỂ TÌM HIỂU THÊM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!