Da đầu nổi mẩn đỏ và ngứa là một tình trạng khá phổ biến, gây nên nhiều phiền toái. Thế nhưng không phải ai cũng biết nên làm gì khi chẳng may bản thân mắc phải.
Đầu tóc là một trong những vị trí cần được chăm sóc nhiều. Phần vì đó là vị trí dễ thấy, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, phần vì đó là một trong những vị trí gần mắt nên sẽ rất dễ bị lây vào mắt gây nguy hiểm. Dưới đây là những cách giúp bạn có thể cải thiện tình trạng da đầu nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy khó chịu được các bác sĩ đánh giá cao về độ an toàn.
I. Nguyên nhân nào khiến cho da đầu nổi mẩn đỏ và ngứa
Ngứa da đầu (có trường hợp dẫn đến rụng tóc) là một việc cũng không quá hiếm trong cuộc sống nóng nực và đầy bụi bẩn như ngày nay. Chúng ta có thể kể ra những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng ấy như sau:
- Viêm nang lông (sẽ gây nhiễm trùng, dị ứng ngoài da).
- Ngứa da đầu, tróc vẩy và có thể rụng tóc do gàu.
- Do sự tấn công của nấm Trichophyton. Loại nấm da đầu này sẽ gây đỏ da, đóng vẩy, tiết dịch, mụn mủ, mụn nước và rất ngứa ngáy.
- Bệnh viêm da tiết bã.
- Bệnh viêm da dị ứng trên da đầu.
- Bệnh á sừng.
- Bệnh vẩy nến da đầu.
Tham khảo thêm: 5 cách chữa bệnh vẩy nến da đầu hay nhất
II. Cách khắc phục da đầu nổi mẩn đỏ và ngứa
Vậy, khi da đầu gặp vấn đền, bạn nên làm gì? Để cải thiện và khắc phục tình trạng da đầu ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ gây khó chịu, bạn có thể tham khảo một số biện pháp hữu ích được nhiều người chia sẻ dưới đây.
1. Dùng baking soda để giảm ngứa da đầu
Baking soda có thể nói là một nguyên liệu “thần thánh” nên có trên kệ bếp nhà bạn. Trong list công dụng cực dài của loại bột màu trắng này thì có cả trị ngứa da đầu (cũng dễ hiểu vì baking soda có khả năng diệt khuẩn khá cao). Bạn nên sử dụng baking soda đều đặn cách 3 ngày 1 lần theo hướng dẫn để thu được hiệu quả trị ngứa tốt nhất.
Cách thực hiện rất đơn giản, bạn trộn baking soda với lượng nước vừa đủ, đến khi hỗn hợp sánh và quánh lại thì thoa lên da đầu (nhớ dùng bao tay). Để yên trong khoảng 30 phút và gội sạch lại ngay sau đó. Lưu ý không nên dùng quá nhiều baking soda vì cũng như cách số 1, da đầu bạn có thể bị những kích ứng không mong muốn.
2. Massage da đầu với chanh và giấm táo
Có thể xem massage là cách đơn giản và dễ thực hiện nhất để giảm thiểu sự ngứa ngáy trên da đầu. Trong đó, các nguyên liệu thường được sử dụng để massage da đầu gồm có giấm táo và chanh. Đây là những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên có khả năng giảm thiểu tình trạng khó chịu, ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ trên da một cách an toàn.
Khi thực hiện, bạn nên pha loãng nước chanh và giấm táo trong nước lọc, vì cả hai thành phần này đều có chứa acid khá cao có thể khiến cho tóc bị kích ứng, bạc màu. Tỉ lệ phù hợp cho công thức này là 4 phần nước , 1 phần giấm táo và 1 phần chanh. Chăm chỉ thực hiện cách này 2 lần mỗi tuần, sau 1 tháng da đầu bạn sẽ khỏe mạnh trở lại.
3. Trị ngứa và nổi mẩn da đầu với gel lô hội
Một trong những giải pháp hiệu quả nhất cho những vấn đề về da là cây lô hội (nha đam). Để cải thiện tình trạng mẩn ngứa trên da, bạn hãy bôi trực tiếp gel lô hội trên da đầu. Có thể mua gel lô hội tại các cửa hàng dược mỹ phẩm hoặc tự lấy gel từ lá lô hội tươi. Vừa bôi vừa massage da đầu và thư giãn trong 10 phút cho gel thấm đều trên da. Bạn nhớ xả sạch gel trên da đầu với nước sau khi đã thực hiện xong. Thời gian để cách này đạt hiệu quả là 2 tuần, mỗi tuần áp dụng 3 lần.
III. Phòng ngừa ngứa da đầu và các bệnh về da đầu
Bên cạnh những cách giúp cải thiện tình trạng ngứa da đầu thì bạn cũng cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa các bệnh về da đầu hữu hiệu sau đây:
- Tránh để da đầu tiếp xúc với các nguồn nước bẩn hoặc không rõ nguồn gốc. Nước không sạch sẽ là cái ổ chứa nhiều mầm bệnh, vi nấm, vi khuẩn rất có hại cho da nói chung và da đầu nói riêng.
- Bạn cần lưu ý vệ sinh da đầu và cơ thể sạch sẽ bằng các loại xà phòng dịu nhẹ, ít hương liệu. Đặc biệt sau khi ra mồ hôi nhiều, bạn nhất thiết phải tắm gội vì mồ hôi sẽ khiến da đầu ẩm ướt và thu hút bụi bẩn, kích thích lượng dầu sinh ra trên da đầu.
- Tuyệt đối không để tóc ướt và ngủ qua đêm. Bạn nên nhớ lau thật khô tóc sau khi tắm gội xong. Khi tóc bị dính nước mưa bạn cũng nên gội đầu với xà phòng, lau khô tóc vì nước mưa cũng có thể chứa nhiều bụi bẩn, hóa chất. Nên nhớ, tóc ẩm ướt là môi trường thuận lợi để vi nấm phát triển nhanh hơn.
- Tốt nhất không nên dùng chung các dụng cụ cá nhân liên quan đến da như quần áo, chăn màn, khăn tắm, nón (mũ), lược chải đầu v.v…để tránh nguy cơ lây nhiễm nấm và các bệnh khác về da đầu.
- Dẫu biết ngứa sẽ rất khó chịu, nhưng nếu bạn dùng móng tay hoặc các vất cứng để gãi da đầu thì không những da đầu bị xây xát mà còn khiến cho sự viêm nhiễm dễ xảy ra hơn rất nhiều.
- Bạn có thể cải thiện tình trạng này từ bên trong, bằng cách bổ sung các dưỡng chất tốt cho da và tóc như sắt, kẽm, vitamin A, B, C, E có trong cá ngừ, cá hồi, hạt lanh, đậu đen, quả óc chó v.v…
Trên đây là “tất tần tật” những gì mà bạn cần biết về tình trạng da đầu nổi mẩn đỏ và ngứa. Hi vọng sau khi theo dõi bài viết, bạn sẽ cảm thấy an tâm và tự tin hơn trong việc ngăn ngừa và điều trị. Và nên lưu ý một điều rằng, nếu da đầu ngày càng ngứa, nổi thêm mẩn đỏ và có dịch mủ chảy ra nhiều, thì việc bạn phải làm là đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Chuyên viên tư vấn sức khỏe: Thư Nguyễn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!