Viêm da cơ địa ở ngón tay là một dạng viêm da cơ địa thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy không gây nguy hiểm nhưng viêm da cơ địa ở ngón tay cũng đủ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu vô cùng. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn đọc nhận biết các dấu hiệu bệnh viêm da cơ địa ở ngón tay để phòng tránh và điều trị bệnh này hiệu quả.
Bệnh viêm da cơ địa ở ngón tay và dấu hiệu nhận biết
Có nhiều yếu tố dẫn đến bệnh viêm da cơ địa, trong đó yếu tố di truyền và cơ địa dị ứng được cho là 2 nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này. Ngoài ra, các yếu tố về môi trường như tiếp xúc với hóa chất, xà phòng, chất tầy rửa, khói thuốc, nguồn nước ô nhiễm, môi trường sống kém… cũng thúc đẩy bệnh khởi phát hoặc tiến triển nặng thêm. Bệnh thường xuất hiện ở nhưng người công nhân giặt, thợ làm tóc, nhân viên y tế hay các chị em làm công việc nội trợ do thường xuyên tiếp xúc với bột giặt, nước rửa chén, nước tẩy vệ sinh….
Bệnh viêm da cơ địa ở ngón tay thường có biểu hiện đầu tiên là da khô và ửng đỏ ở các đầu ngón tay. Các dát đỏ có thể từ từ lan rộng khắp bàn tay nếu không được điều trị hoặc tiếp xúc với các chất gây kích ứng. Trong mùa hè, vùng da bị tổn thương do viêm da cơ địa gây ngứa, đỏ và nổi mụn nước như bệnh tổ đỉa, các móng tay cũng trở nên sần sùi và lỗ chỗ. Đến mùa đông, do độ ẩm trong không khí thấp nên da dẻ càng nứt nẻ và dễ toác, rớm máu gây đau đớn, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt. Các thương tổn do bệnh viêm da cơ địa cũng dễ bị nhiễm khuẩn, vi nấm nếu không được chăm sóc kỹ hoặc tiến triển nặng nếu tiếp xúc với hóa chất, xăng dầu, nước bẩn…
Điều trị bệnh viêm da cơ địa ở ngón tay
Bệnh viêm da cơ địa không gây hại đến sức khỏe nhưng mang đến nhiều phiền toái cho bệnh nhân, làm giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, người bệnh cần nhanh chóng đến các trung tâm y tế hoặc chuyên khoa da liễu của bệnh viện để được thăm khám cụ thể và được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp cũng như chăm sóc da tổn thương. Biện pháp điều trị được áp dụng phổ biến hiện nay là dùng thuốc bôi chứa acid salycilic, thuốc chứa steroid để giảm viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên chú ý vấn đề chăm sóc và bảo vệ da để hỗ trợ việc điều trị đạt hiệu quả cao, hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn như sau:
– Không bóc vẩy da, gãi ngứa hay cọ xát mạnh vùng da tổn thương bằng bàn chải, đá cọ để tránh làm tổn thương lớp sừng trên da, khiến da càng bong tróc nặng.
– Hạn chế giặt quần áo, rửa bát, lau nhà để tránh tiếp xúc với xà phòng, hóa chất… Nếu có thì nên sử dụng bao tay chuyên dụng để bảo vệ da, chọn găng tay bằng nhựa dẻo sẽ tốt hơn găng tay cao su và tránh dùng găng tay trong thời gian dài.
– Dưỡng ẩm cho da nhiều lần trong ngày bằng kem dưỡng ẩm với các thành phần thiên nhiên, đặc biệt là khi mùa đông tiết trời khô hanh.
– Thường xuyên cắt móng tay và giữ móng sạch sẽ.
– Tránh các thức ăn dễ gây dị ứng như thịt gà, hải sản… Nên bổ sung nhiều rau, củ, quả tươi xanh giàu sinh tố C và E để cơ thể được tăng cường sức đề kháng, tái tạo làn da mới và phục hồi da một cách hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!